Tăng trưởng liên tục 2 con số

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), người tiêu dùng toàn cầu đang dần nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của sản phẩm hữu cơ đối với môi trường, sức khỏe con người và tạo ra hệ sinh thái bền vững, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19.

Doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ (thực phẩm và đồ uống hữu cơ) trên thị trường toàn cầu tăng 15% lên 129 tỷ USD vào năm 2020. Thị trường sản phẩm hữu cơ sản phẩm hữu cơ đã tăng mạnh lên 188 tỷ USD vào năm 2021 và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022. Bắc Mỹ và châu Âu chiếm hầu hết doanh số bán hàng, với 90% thị phần. Tuy nhiên, hầu hết tăng trưởng đến từ các khu vực khác, đặc biệt là châu Á. Thị trường sản phẩm hữu cơ đang trở nên quan trọng ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…

Các sản phẩm hữu cơ ngày càng được ưa chuộng
Các sản phẩm hữu cơ ngày càng được ưa chuộng

Một số sản phẩm hữu cơ chính được EU nhập khẩu là rau quả hữu cơ, trong đó trái cây nhiệt đới, các loại hạt và gia vị chiếm tỷ lệ chính. Đặc biệt, những nông sản này đều là những mặt hàng xuất khẩu chính và có lợi thế của Việt Nam.

Ông Tiến thông tin thêm: Thị trường thực phẩm hữu cơ toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 227,19 tỷ USD vào năm 2021 lên 259,06 tỷ USD năm 2022, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 14%. Thị trường dự kiến sẽ tăng lên 437,36 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 14%.

Tuy nhiên, thị trường sản phẩm hữu cơ toàn cầu dự báo cũng sẽ đối diện với nhiều khó khăn như: Nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật đang phát triển theo cấp số nhân, bắt nguồn từ các yếu tố tương tự như thực phẩm hữu cơ, tức là mối quan tâm về sức khỏe, môi trường và đạo đức. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu về thực phẩm hữu cơ có nguồn gốc động vật.

Nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hữu cơ đang tăng mạnh và vượt quá nguồn cung. Việc thiếu hụt nguồn cung sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá thành tăng cao, cũng có thể dẫn đến các vụ gian lận, các loại thực phẩm thông thường sẽ được dán nhãn giả hữu cơ.

Trên cơ sở đó, theo ông Tiến, để phát triển thị trường sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam, cần xây dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng, đây là quá trình cần tới sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối… Bên cạnh đó, các sản phẩm hữu cơ cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

Các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt được các xu thế tiêu dùng nói chung và xu thế tiêu dùng sản phẩm hữu cơ nói riêng như: Sự chuyển dịch sang mua sắm tại nhà; gia tăng số lượng các tiêu chuẩn bền vững; quy trình ghi nhãn mác sản phẩm về kiểm dịch động thực vật hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe công đồng…

Thị trường Úc đầy tiềm năng

TS Nguyễn Văn Kiền, Giảng viên chính (danh dự) của Đại học Quốc gia Úc, đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH Mekong Organics thông tin: Doanh số bán lẻ thực phẩm hữu cơ tại Úc đã tăng lên hơn 2,5 tỷ USD. Thị trường về hữu cơ của Úc tăng trên 5% mỗi năm và đặc biệt có những năm tăng trên 10%. Tuy nhiên, nguồn cung sản phẩm hữu cơ vào nước này đang khá khiêm tốn.

Nhà lưới là công trình không thể thiếu trong canh tác rau hữu cơ
Nhà lưới là công trình không thể thiếu trong canh tác rau hữu cơ

Về cơ hội cho nông sản hữu cơ chế biến vào thị trường Úc, theo TS Kiền, gạo là mặt hàng có cơ hội tốt nhất nhờ nhu cầu gạo hữu cơ vượt xa nguồn cung. Các sản phẩm trái cây, rau quả chế biến hưởng lợi thế do quy định dễ dàng hơn, trong khi các mặt hàng như hạt điều, macca vào thị trường này cần được xử lý cacbon dioxide. Hai mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam gồm cà phê và hồ tiêu tại thị trường này sẽ gặp nhiều khó khăn do thừa nguồn cung. Các mặt hàng cá, tôm, thảo mộc và gia vị khô như húng quế, quế… sẽ có triển vọng phát triển tốt tại thị trường này.

TS Nguyễn Văn Kiền cho biết thêm: Thông qua mạng lưới đào tạo do Công ty TNHH Mekong Organics tổ chức trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy chứng nhận và thương mại nông sản phẩm hữu cơ Úc – Việt”, cho thấy khá nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thực hiện chứng nhận hữu cơ theo các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Ngoài ra, có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm nông dân cũng đang trong quá trình chuyển đổi hoặc tìm hiểu hướng đến chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.

Hiện tại, qua quan sát tại các kênh siêu thị, nhà hàng, cửa hàng bán buôn cho thấy, sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc từ Việt Nam đang dần thâm nhập vào thị trường Úc. Đó là những tín hiệu tốt để tiếp tục giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đến người tiêu dùng Úc trong thời gian tới.

Theo Trung Quân Báo nông nghiệp Việt Nam (nongnghiep.vn)